Vì sao chưa xây dựng hồ sơ di sản cảnh quan sông Hương?

VHO- “Chúng tôi đã khuyến nghị UBND tỉnh Thừa Thiên Huế xây dựng hồ sơ cảnh quan đôi bờ sông Hương trình UNESCO nhưng đến nay tỉnh vẫn chưa thực hiện, có lẽ địa phương ngần ngại sợ ảnh hưởng đến việc phát triển”.

Vì sao chưa xây dựng hồ sơ di sản cảnh quan sông Hương? - Anh 1

Theo nhiều chuyên gia, cảnh quan đôi bờ sông Hương hội đủ tiêu chí để UNESCO vinh danh Ảnh: VÕ THẠCH

Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế phối hợp với Đại học Waseda (Nhật Bản) vừa tổ chức Hội thảo quốc tế về “Nghiên cứu giá trị cảnh quan văn hóa di sản Huế và các vùng phụ cận trong việc bảo tồn, phát huy giá trị quần thể di tích Cố đô Huế”, với sự tham dự của nhiều chuyên gia đến từ Nhật Bản và các nhà nghiên cứu, chuyên gia bảo tồn di sản văn hóa của Việt Nam.

Giữ gìn cảnh quan vùng đệm di sản gắn với du lịch sinh thái

Cảnh quan và môi trường sinh thái ở các lăng vua Nguyễn gắn liền với cảnh quan khu vực sông Hương đã được nhiều chuyên gia quan tâm và nghiên cứu nhiều năm qua, tập trung ở các lăng Gia Long, Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức. Đây được xem là yếu tố quan trọng trong việc bảo tồn, phát huy giá trị quần thể di tích Cố đô Huế về lâu dài.

Nguyên thủy các di tích này có diện tích rất rộng lớn, tuy nhiên qua nhiều biến động nên diện tích khoanh vùng đã giảm đi rất nhiều. TS Phan Thanh Hải, Giám đốc Sở VHTT tỉnh Thừa Thiên Huế dẫn chứng: Thiên Thọ lăng (quần thể lăng vua Gia Long) có diện tích bảo vệ nguyên thủy khoảng 2.875 ha nhưng theo khoanh vùng năm 1991 còn hơn 81 ha và đến năm 2012 còn 20,7 ha; lăng vua Minh Mạng nguyên thủy được khoanh vùng khoảng 500 ha, đến năm 1991 là 137,2 ha và đến năm 2012 còn lại hơn 34 ha; lăng vua Tự Đức cũng có diện tích khoanh vùng bảo vệ nguyên thủy là 220 ha nhưng đến năm 2012 chỉ còn 13 ha… Hiện nay việc khoanh vùng bảo vệ di tích phải giới hạn trong những khu vực nhất định nên nhiều khu vực đồi núi, khe suối, ao hồ vốn được xem là các thể thực tự nhiên, yếu tố phong thủy gắn với di tích thì nay không thuộc khu vực bảo vệ di tích. Trong khi đó, các khu vực vùng đệm này được xem “tài sản” cảnh quan văn hóa quan trọng của các di tích và cần được quy hoạch, quản lý phù hợp, đặc biệt có những giải pháp, mô hình phù hợp để cộng đồng dân cư “cộng sinh cùng di sản”.

GS Shigeru Satoh, nguyên Giám đốc Viện nghiên cứu đô thị và vùng, Đại học Waseda đã đề cập đến việc quản lý vùng đệm và tour du lịch sinh thái tại cảnh quan văn hóa sơn thủy. Theo ông, vùng đệm không chỉ có ý nghĩa để bảo vệ các di sản thế giới, ngăn chặn các tác động tiêu cực từ xung quanh mà còn là “phương tiện” mang lại tác động tích cực và tạo nên một không gian cảnh quan môi trường. Khi đó, cộng đồng cùng tham gia một cách tích cực thì vùng đệm trở thành không gian hấp dẫn và nâng cao giá trị của cả khu vực. GS Shigeru Satoh cũng đề cập đến các công trình di sản văn hóa thế giới ở Nhật Bản đã được UNESCO công nhận. Để bảo vệ di sản đó, Nhật Bản đã ban hành Luật bảo vệ Di sản văn hóa, đồng thời cũng có Hiệp ước Quy hoạch, Hiệp ước Cảnh quan để quản lý vùng đệm…, mà điển hình là thành phố cổ Nara, nằm ở vị trí kết nối nhiều di tích khác với khu vực giữa các vùng đệm, có vị trí như một khu vực hài hòa với môi trường lịch sử và đóng vai trò quan trọng là vùng đệm để ngăn chặn các tác động tiêu cực từ các khu vực xung quanh. Từ đó, GS này liên hệ với di sản Huế, và cho rằng không chỉ phải bảo vệ cảnh quan theo quy định mà còn làm thế nào để hỗ trợ người dân địa phương sống trong vùng đệm duy trì được cuộc sống và họ chính là cộng đồng bảo vệ di sản bền vững nhất.

“Đối với quần thể di sản Huế, cân nhắc vùng đệm phải tính đến tất cả các khu vực của lưu vực sông Hương. Kể cả khu vực trên trục thần đạo cho đến ngọn núi quan trọng ở phía xa và các hệ thống ao hồ chứa nước ở mỗi lăng. Từ những yếu tố phong thủy, địa hình và đặc trưng của vùng để tạo ra tuyến du lịch, phát triển tour du lịch sinh thái cộng đồng ở lăng vua Gia Long và lăng vua Thiệu Trị để giúp cho người dân chung sống với di sản, tái tạo di sản và bảo vệ bền vững di sản” GS Satoh đề xuất.

Áp dụng một mô hình “đô thị di sản”

Một vấn đề quan trọng cũng được nhiều chuyên gia đề cập là cảnh quan văn hóa đôi bờ sông Hương, với tư cách là trục quy hoạch đô thị qua nhiều giai đoạn phát triển lịch sử và gắn liền với các công trình kiến trúc của quần thể di tích Cố đô Huế. PGS.TS Đặng Văn Bài, nguyên Cục trưởng Cục Di sản văn hóa (Bộ VHTTDL) nói rằng nhiều năm trước “chúng tôi đã khuyến nghị UBND tỉnh Thừa Thiên Huế xây dựng hồ sơ cảnh quan đôi bờ sông Hương trình UNESCO nhưng đến nay tỉnh vẫn chưa thực hiện, có lẽ địa phương ngần ngại sợ ảnh hưởng đến việc phát triển”.

“Hơn 30 năm qua, kết quả hợp tác quốc tế với các đơn vị chuyên môn từ Nhật Bản, Ba Lan, Đức… và các hợp tác liên ngành đã có đủ cơ sở dữ liệu khá đầy đủ cho việc xây dựng hồ sơ về cảnh quan đôi bờ sông Hương trình UNESCO vinh danh lần hai đối với đô thị di sản Huế, với tư cách một di sản đặc thù, là cảnh quan văn hóa tiêu biểu theo tiêu chí IV. Việc vinh danh lần hai sẽ giúp quần thể di tích Cố đô Huế và cảnh quan đôi bờ sông Hương sẽ có cơ sở pháp lý để bảo tồn và phát huy giá trị tốt hơn, “thương hiệu” của Huế cũng được nâng lên và lan tỏa”, PGS.TS Đặng Văn Bài tiếp tục đề nghị. GS Trương Quốc Bình, nguyên Thư ký thường trực nhóm công tác Huế - UNESCO đã đưa ra một số kiến nghị, trong đó có đề xuất giải pháp xây dựng đô thị di sản trên cơ sở bảo tồn toàn vẹn quần thể di tích Cố đô Huế. Những giá trị về kiến trúc cảnh quan trên một phạm vi rộng của Huế cũng cần được áp dụng một mô hình “đô thị di sản” riêng, với hành lang pháp lý phù hợp để đảm bảo cho sự phát triển song song với việc bảo tồn di sản văn hóa. Trong quy hoạch chung của Huế phải bao gồm sự tương tác, kết nối giữa di sản văn hóa cung đình, dân gian, đô thị, cảnh quan, môi trường, không chỉ giới hạn trong phạm vi khu vực bảo vệ I mà còn phải mở rộng ra các khu vực II và các hướng tiếp cận cảnh quan di tích. Từ đó, triển khai thiết kế đô thị và cảnh quan văn hóa kèm theo các quy định, chỉ dẫn cụ thể, tháo gỡ các vướng mắc trong đầu tư xây dựng ở cả 2 khu vực công cộng và tư nhân.

“Trong thời gian tới, Huế cần tập trung nghiên cứu các nội dung nhận diện giá trị, xác định những nội dung đáp ứng những tiêu chí của “giá trị nổi bật toàn cầu” cùng những giải pháp quy hoạch sao cho có thể đưa sông Hương vào danh mục công nhận di sản cảnh quan văn hóa của UNESCO mà không làm ảnh hưởng tới tiến trình phát triển của địa phương, ngược lại còn trở thành động lực tăng trưởng mới, với quy mô và ảnh hưởng lớn hơn, mạnh mẽ hơn”, GS Trương Quốc Bình đề xuất. Ông Hoàng Việt Trung, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế cho biết, những thông tin được thống nhất từ hội thảo này sẽ bổ sung cho việc nghiên cứu đề án “Quy hoạch, bảo quản, tu bổ, phục hồi quần thể di tích Cố đô Huế đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050”. Ngoài ra, kết quả này cũng sẽ được xem xét bổ sung vào hồ sơ tái đề cử quần thể di tích Cố đô Huế với tiêu chí cảnh quan văn hóa. Việc xây dựng hồ sơ tái đề cử nhằm vinh danh một lần nữa quần thể di tích Cố đô Huế là di sản cảnh quan văn hóa thế giới đã từng được UNESCO và Bộ VHTTDL khuyến nghị nhiều năm trước. 

 SƠN THÙY

Ý kiến bạn đọc